Hoạt động xuất nhập khẩu là tập hợp của nhiều khâu khác nhau, bên cạnh những chứng từ và thủ tục thì xác định thuế xuất nhập khẩu là một việc rất quan trọng. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về thuế xuất nhập khẩu, cách tính cũng như các lưu ý quan trọng khi tính thuế xuất nhập khẩu. Hãy theo dõi bài viết này của TSL để biết thêm chi tiết nhé.
Thuế xuất nhập khẩu là gì
Thuế xuất nhập khẩu hay còn cách gọi khác là thuế hải quan. Đây là loại thuế đánh vào những loại hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu qua biên giới Việt Nam. Trong trường hợp hàng hóa xuất nhập khẩu vào những khu vực đặc biệt trong lãnh thổ Việt Nam thì vẫn phải chịu thuế xuất nhập khẩu.
Thuế xuất nhập khẩu gồm 2 loại thuế chính là Thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu:
- Thuế nhập khẩu: Là loại thuế được áp dụng vào các mặt hàng mà nhà nước muốn hạn chế nhập khẩu từ các quốc gia khác. Điều này để đảm bảo các hàng hóa trong nước có nguồn tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất và cân bằng cán cân thương mại. Tùy vào từng loại hàng hóa mà sẽ có mức thuế nhập khẩu khác nhau.
- Thuế xuất khẩu: Là loại thuế mà nhà nước áp lên những mặt hàng xuất sang nước khác. Nhằm hạn chế việc các doanh nghiệp dùng nguồn lực nội địa để sản xuất rồi đem sang nước ngoài. Tương tự với thuế nhập khẩu thì biểu thuế xuất khẩu cũng tùy thuộc vào từng loại hàng hóa.
>>Xem thêm: Xuất nhập khẩu là gì, Đặc điểm và vai trò của xuất nhập khẩu
Đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu
Theo điều 2, luật thuế xuất nhập khẩu có quy định về đối tượng phải chịu thuế xuất nhập khẩu là những loại hàng hóa đi quan cửa khẩu, biên giới Việt Nam. Cụ thể đối tượng phải chịu thuế xuất nhập khẩu sẽ bao gồm 3 nhóm đối tượng sau:
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
- Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
Đối tượng không phải chịu thuế xuất nhập khẩu
Bên cạnh đó trong một số trường hợp đặc biệt đối tượng phải chịu thuế nói trên sẽ không phải chịu thuế xuất nhập khẩu:
- Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển: Bao gồm những mặt hàng chỉ quá cảnh, chuyển khẩu hoặc trung chuyển tại Việt Nam. Đây là những mặt hàng không được sử dụng cho mục đích thương mại trên lãnh thổ Việt Nam
- Hàng hóa viện trợ nhân đạo: Là các loại hàng hóa dùng vào mục đích cứu trợ, viện trợ và khong dùng cho mục đích thương mại.
- Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan sang nước khác hoặc ngược lại nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan. Đây là những loại hàng hóa chỉ được sử dụng trong khu phi thuế quan thì sẽ không phải chịu thuế xuất nhập khẩu. Vì chúng không tham gia vào hoạt động thương mại trong và ngoài nước.
- Hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác: Là những loại hàng hóa được chuyển giao từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác. Và không tham gia vào các hoạt động mua bán trong nước.
- Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu: Đối với những tài nguyên khi xuất khẩu có thể dùng dầu khí để thanh toán, lúc này mặt hàng này sẽ không phải chịu thuế xuất nhập khẩu nữa.
Đối tượng được miễn thuế xuất nhập khẩu
Bên cạnh những mặt hàng phải chịu thuế nhập khẩu thì cũng có một số loại hàng hóa sẽ được hưởng chính sách miễn thuế khi xuất nhập khẩu. Điều này có tác dụng thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ với các nước trên thế giới. Phát triển kinh tế trong nước, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường trên thế giới. Không những vậy việc áp dụng các chính sách miễn giảm thuế còn giúp thu hút các vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.
Theo điều 16, Luật Thuế xuất nhập khẩu và hướng dẫn tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP, có quy định về các trường hợp được hưởng chính sách miễn thuế sẽ bao gồm:
Nhóm hàng tiêu dùng
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam; hàng hóa trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế của người xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế.
- Hàng hóa được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Hàng hóa có trị giá hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới mức tối thiểu.
- Hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan không sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào thị trường trong nước.
- Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định.
- Hàng hóa không nhằm mục đích thương mại trong các trường hợp sau: hàng mẫu; ảnh, phim, mô hình thay thế cho hàng mẫu; ấn phẩm quảng cáo số lượng nhỏ.
- Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
- Hàng hóa nhập khẩu để phục vụ hoạt động dầu khí.
- Hàng hóa thuộc dự án, cơ sở đóng tàu thuộc danh mục ngành, nghề ưu đãi theo quy định của pháp luật về đầu tư được miễn thuế.
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để bảo vệ môi trường.
- Hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho giáo dục.
- Hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng, trong đó phương tiện vận tải chuyên dùng phải là loại trong nước chưa sản xuất được.
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ bảo đảm an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.
Nhóm hàng nguyên vật liệu
- Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu; sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn vào sản phẩm gia công; sản phẩm gia công xuất khẩu.
- Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
- Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất.
- Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được của dự án đầu tư để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất.
- Máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bộ phận, phụ tùng nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền.
- Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm.
- Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được, tài liệu, sách báo khoa học chuyên dùng sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ.
Nhóm hàng hóa khác
- Tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng trong định mức của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc ngược lại.
- Giống cây trồng; giống vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được, cần thiết nhập khẩu theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
- Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của cư dân biên giới thuộc Danh mục hàng hóa và trong định mức để phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới.
Đối tượng được giảm thuế xuất nhập khẩu
Căn cứ theo khoản 1 điều 18 Luật thuế xuất nhập khẩu có quy định những đối tượng được giảm thuế xuất nhập khẩu sẽ bao gồm những loại hàng hóa bị hư hỏng, mất mát do nguyên nhân khách quan trong quá trình giám sát kiểm tra theo đúng quy định của luật Hải quan và các văn bản pháp luật hiện hành. Sẽ được xếp vào nhóm đối tượng được giảm thuế khi xuất nhập khẩu.
Đối tượng được hoàn thuế xuất nhập khẩu
Căn cứ theo khoản 1, 2 điều 19 Luật thuế xuất nhập khẩu có quy định về các đối tượng được hoàn thuế xuất nhập khẩu sẽ bao gồm:
- Hàng hóa đã xuất khẩu phải tái nhập;
- Hàng hóa đã nhập khẩu phải tái xuất;
- Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất;
- Hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã xuất khẩu sản phẩm;
- Người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu, xuất khẩu nhưng không có hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu hoặc nhập khẩu, xuất khẩu ít hơn so với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu đã nộp thuế; không hoàn thuế đối với trường hợp có số tiền thuế tối thiểu.
Ai phải nộp thuế xuất nhập khẩu
Theo Điều 3, Luật Thuế xuất nhập khẩu 2016 quy định người nộp thuế xuất nhập khẩu là những đối tượng sau:
- Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Tổ chức nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu.
- Người xuất cảnh, nhập cảnh có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, gửi hoặc nhận hàng hóa qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
- Người được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thuế thay cho người nộp thuế
- Người thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức miễn thuế của cư dân biên giới nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng mà đem bán theo quy định của pháp luật.
- Người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế nhưng sau đó có sự thay đổi và chuyển sang đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật.
Cách tính thuế xuất nhập khẩu
Theo điều 5, 6, luật thuế xuất nhập khẩu có quy định về 3 phương pháp tính thuế xuất nhập khẩu bao gồm:
- Phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm: Là việc xác định thuế theo phần trăm (%) của trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu.
- Phương pháp tính thuế tuyệt đối: Là việc ấn định số tiền thuế nhất định trên một đơn vị hàng hóa xuất nhập khẩu.
- Phương pháp tính thuế hỗn hợp: Là việc áp dụng đồng thời phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và phương pháp tính thuế tuyệt đối.
Cách tính thuế theo phương pháp tỷ lệ phần trăm
Số tiền thuế xuất nhập khẩu được tính dựa trên trị giá tính thuế và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm của từng mặt hàng ngay tại thời điểm tính thuế
Công thức:
Thuế xuất nhập khẩu = Số lượng hàng hóa thực tế x Trị giá tính thuế trên mỗi đơn vị x Thuế xuất nhập khẩu.
Trong đó:
- Trị giá tính thuế xuất nhập khẩu là trị giá được hải quan quy định theo luật hải quan
- Thuế suất được áp dụng lên các loại hàng hóa xuất khẩu được quy định cụ thể trong từng danh mục hàng hóa và có biểu thuế riêng
- Thuế suất áp dụng cho các mặt hàng nhập khẩu gồm thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt, thuế suất thông thường.
Cách tính thuế theo phương pháp tuyệt đối
Số tiền thuế được xác định bằng phương pháp tính thuế tuyệt đối phải căn cứ vào lượng hàng hóa thực tế xuất nhập khẩu và mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa tại thời điểm tính thuế.
Công thức:
Thuế xuất nhập khẩu phải nộp = Số lượng hàng hóa thực tế xuất, nhập khẩu x Mức thuế tuyệt đối trên một đơn vị
Cách tính thuế theo phương pháp hỗn hợp
Số tiền thuế xác định bằng phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được xác định là tổng số tiền thuế theo tỷ lệ phần trăm và số tiền thuế tuyệt đối
Công thức
Thuế xuất nhập khẩu phải nộp = Thuế xuất nhập khẩu phải nộp đối với hàng hoá tính thuế theo tỷ lệ % x Thuế xuất nhập khẩu phải nộp đối với hàng hoá tính thuế tuyệt đối
Thời điểm tính thuế xuất nhập khẩu
Theo điều 8, luật thuế xuất nhập khẩu có quy định về thời điểm tính thuế xuất nhập khẩu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan. Có nghĩa là khi bạn làm thủ tục xuất nhập khẩu, thời điểm bạn nộp tờ đăng ký hải quan chính là thời điểm bạn phải tính thuế xuất nhập khẩu.
Lưu ý khi xác định thuế xuất nhập khẩu
Trong hoạt động xuất nhập khẩu, việc tính toán biểu thuế rất quan trọng. Việc tính toán chính xác thuế xuất nhập khẩu sẽ giúp bạn xác định được mức giá thành phẩm và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Dưới đây là một số lưu ý khi tính thuế xuất nhập khẩu
- Trước khi tính toán biểu thuế thì việc bạn sẽ cần xác định được loại hàng hóa mình muốn xuất nhập khẩu nằm trong danh mục hàng hóa nào. Từ đó sẽ biết được mã HS tương ứng với mặt hàng mình muốn xuất nhập khẩu. Trong trường hợp bạn xác định sai mã HS có thể dẫn đến áp sai mức thuế gây thiệt hại về tài chính.
- Nắm chắc các quy định về mặt hàng miễn giảm hoàn thuế theo đúng quy định. Nếu như mặt hàng của bạn có nằm trong danh mục này thì sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu
- Cập nhật thường xuyên các thay đổi về chính sách thuế quan. Do ngành xuất nhập khẩu chịu ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố kéo theo đó các vấn đề thuế quan có thể sẽ thay đổi theo ngày. Bạn cần theo dõi thường xuyên để biết được các thay đổi từ đó kịp thời điều chỉnh.
- Các vấn đề liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu đề tiềm ẩn nhiều rủi ro và phải được thực hiện bởi những người có kinh nghiệm, kiến thức trong ngành. Nếu như bạn đang gặp khó khăn về việc xác định thuế xuất nhập khẩu thì hãy liên hệ với nhưng bên cung cấp dịch vụ ủy thác xuất nhập khẩu để được hướng dẫn chi tiết và tránh sai sót.
Trên đây là bài viết chi tiết về thuế xuất nhập khẩu. Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu hơn về lĩnh vực xuất nhập khẩu. Nếu như bạn cần tư vấn thêm về dịch vụ ủy thác xuất nhập khẩu thì có thể liên hệ với TSL qua hotline: 092 188 83 88 – *1688 để nhận được hỗ trợ sớm nhất nhé.